Thắp lên một ngọn lửa

Tầm sư học đạo

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11), đăng lại một bài cũ.

1. Tại một hội thảo về phương pháp dạy và học bằng nghiên cứu tình huống (case study) tổ chức tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một trong những câu hỏi lớn đặt ra là Việt Nam có ứng dụng case study được hay không. Các đại biểu (đa phần là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đại học có kinh nghiệm) nêu ra khá nhiều trở ngại khi thử nghiệm phương pháp này. Trong đó nổi bật nhất là sinh viên ViệtNam không quen, không thích, và không có kỹ năng thảo luận. Có người cho rằng, ở ta một buổi học quá chú trọng vào tranh luận dễ bị thất bại. Và nếu giáo viên thích đặt câu hỏi và nhường sân cho sinh viên nói nhiều quá thì có thể bị xem là… lười biếng không chuẩn bị bài kỹ, hoặc không đủ kiến thức để thao thao bất tuyệt cả giờ. Nhưng cũng có đại biểu phản bác ý kiến cho rằng sinh viên ta không biết tranh luận. Bằng chứng là những câu lạc bộ chuyên môn dù tự phát trong trường hay có tổ chức bài bản ở những nơi như Nhà Văn hóa Thanh niên luôn thu hút đông người tham dự và không khí tranh luận luôn sôi nổi. Phải chăng chính các thầy cô chưa dám hoặc chưa có điều kiện tạo đủ diễn đàn cho học sinh, sinh viên thảo luận? Có một câu hỏi liên quan đến vấn đề trên là nên bắt đầu cho người học làm quen với thảo luận ở cấp nào: tiểu học, trung học hay đại học (dân gian còn gọi là cấp 4)? Xem ra trước mắt hy vọng lắm cũng chỉ là ở cấp đại học. Ở cấp thấp hơn chắc còn xa vời lắm, khi mà hiện nay một em học sinh khi trả bài không dám đọc: “Năm 1858, giặc Pháp tấn công Đà Nẵng…” vì sách giáo khoa đã in “Năm 1858, giặc Pháp nổ súng vào Đà Nẵng…“. Mà đó đã là lớp 11.

2. Trong thời gian tu nghiệp ở Mỹ, tôi có quen một cô đồng nghiệp người Mỹ rất mê Việt Nam và thích làm công tác xã hội. Thứ bảy hằng tuần, cô tham gia dạy ngoại khóa miễn phí cho một trường tiểu học ở khu ngoại ô nghèo của Boston. Học trò chỉ mới là lớp 2, lớp 3, thế mà cô thường dạy về văn hóa Việt Nam. Tò mò, tôi hỏi cô dạy làm sao, thế là được mời dự giờ một buổi. Chủ đề hôm đó là ”Ẩm thực Việt Nam”. Cô mời một nữ du học sinh Việt Nam đứng lớp. Chiều hôm trước, hai chị em đã đi chợ ở phố Tàu để sắm sửa ”học cụ”, gồm bánh tráng, thịt heo, rau sống và nước mắm. Đến giờ lên lớp, cô sinh viên Việt Nam hướng dẫn làm món bì cuốn, làm mẫu trước sau đó đích thân chỉ cho từng em cách cuốn, rồi cả lớp cùng thưởng thức và bình phẩm. Vậy thôi. Tuy có một số em không ăn được vì không chịu nổi mùi nước mắm, nhưng cả lớp đều hả hê với những khám phá ngồ ngộ như từ gạo có thể làm ra cái bánh dẹt dẹt tròn tròn, và từ đó chế ra khối món ăn lạ. Cuối buổi, cô giáo ra chủ đề cho tuần sau là ”Chiến tranh Việt Nam”, với câu hỏi thảo luận là ”Tại sao Mỹ thua trận ở Việt Nam?”. Tôi sửng sốt đang thầm nghĩ làm sao những đầu óc non nớt này có thể ”tiêu hóa” một đề tài cao siêu như vậy. Lúc đó, cô dặn học trò đặt câu hỏi này với bất cứ ai mình gặp, có thể đó là người nhà, hàng xóm, bác tài xe buýt, bà chủ tiệm tạp hóa… Tuần sau, các em sẽ mang những câu trả lời nhận được đến lớp, và cùng nhau thảo luận. Tôi không dự buổi sau đó, nhưng nghe kể các em tranh luận cũng rất ”khí thế”.

3. Cuối tuần rảnh rỗi, sắp xếp tủ sách chợt tìm thấy một cuốn sách cũ tuyển chọn những lời vàng ý ngọc tự cổ chí kim. Vừa phủi bụi, vừa giở lướt nhanh qua sách chợt bắt gặp một câu khá khớp với cái ý mình đang tìm cho bài viết này. Nhà thơ và nhà biên kịch Ailen William Butler Yeats (1865-1939) từng nói: ”Giáo dục không phải là đổ đầy một xô nước, mà là thắp lên một ngọn lửa” (Education is not the filling of a pail, but the lighting of a fire). Phải, giáo dục ở ta dường như có quá nhiều xô nước đã đổ đầy (thậm chí đổ tràn), nhưng vẫn còn nhiều ngọn lửa âm ỉ chưa được thổi bùng lên.

Trích từ tập sách Một góc nhìn kinh tế toàn cầu(trang 46-48), NXB Trẻ 2005. Bài gốc đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 1/4/2004.

4 comments

  • Chào bạn Hạ.
    Đây là lần thứ ba mình đọc lại bài của bạn. Lần đầu và lần này bạn gởi, còn một lần là mình tìm ý tưởng trong cái đoạn tả học làm bánh để chuẩn bị bài.
    Mình đang ở DC. Thế giới Đông Tây khác nhau khiếp. Ở đây học Hán cổ mà cũng thi trắc nghiệm. Còn về trường Nhân Văn Tp HCM, thi viên chức mà ra đề bắt viết thuộc lòng một phần của luật công chức, cho nên mình rớt bẹt. Đem cái chiêu học văn tán dốc của ngày xưa ra tán không xong (Hồi xưa bằng chiêu đó mình đạt điểm cao nhất mấy khoa môn Lịch sử Đảng). Mình rút ra bài học, thằng bạn mình nói luật VN mỗi năm mỗi đổi xoành xoạch, vậy thì muốn tán dốc nói láo ăn theo cũng phải tán khác đi cho nó ăn nhịp. Đàng nào cũng phải tán thôi, vd: nổ súng vào Đà nẵng chứ không phải tấn công; tàu lạ chứ không phải tàu Trung Quốc; cán bộ muốn dân tự do hạnh phúc chứ cán bộ không có chức quyền tham ô.

Trả lời Han Nom Hủy

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.